Bảy điểm khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số

Năm 2020 là lần đầu tiên thuật ngữ Chính phủ số được Liên Hợp Quốc sử dụng làm chủ đề Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Chính phủ số không phải là một khái niệm thay thế Chính phủ điện tử. Chính phủ số bao hàm Chính phủ điện tử nhưng thể hiện một sự thay đổi về mặt nhận thức, một mức độ trưởng thành lớn hơn, phát triển cao hơn. Dưới đây là bảy điểm khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số.

1. Chính phủ như là một nền tảng

Đó là sự chuyển đổi về tư duy quản lý, từ việc Chính phủ cung cấp dịch vụ công để phục vụ sự quản lý nhà nước là chính sang việc Chính phủ cung cấp dịch vụ công mang tính nền tảng, để kiến tạo sự phát triển cho xã hội là chính. Đó là sự chuyển đổi về cách thức triển khai, từ việc triển khai các dịch vụ riêng lẻ theo từng hệ thống riêng lẻ đến việc triển khai toàn bộ các dịch vụ thông qua một nền tảng.

Ví dụ, một cơ quan cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thông qua việc sử dụng nền tảng thay vì triển khai riêng lẻ từng dịch vụ công trực tuyến theo từng hệ thống công nghệ thông tin khác nhau.

2. Tích hợp đa kênh trực tuyến và trực tiếp trong việc cung cấp dịch vụ

Đó là sự chuyển đổi về cách thức cung cấp dịch vụ, từ việc cơ quan chính quyền hoặc chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến (online), hoặc chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp (offline), hoặc đây là 2 quy trình riêng rẽ, đến việc tích hợp, cung cấp dịch vụ đa kênh, tạo ra sự tiện lợi và mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng. Lúc này, ranh giới hành chính giữa các bộ, ngành, ranh giới địa lý giữa các địa phương sẽ bị xóa nhòa.

Ví dụ, người dân, tùy theo kỹ năng số và điều kiện của mình, có thể lựa chọn kênh thực hiện thủ tục hành chính phù hợp. Có thể nộp hồ sơ trực tuyến ở bất cứ đâu, nhưng nhận kết quả trực tiếp tại địa điểm mong muốn. Có thể nộp hồ sơ trực tiếp ở địa điểm phục vụ gần nhất, nhưng nhận kết quả trực tuyến hoặc nhận kết quả tại một địa điểm khác mà họ mong muốn.

3. Khả năng linh hoạt, nhanh chóng cung cấp dịch vụ mới

Đó là sự chuyển đổi về thời gian cần thiết để đưa ra một dịch vụ mới, từ vài tháng, vài năm theo cách cũ đến chỉ còn vài tuần, vài ngày, thậm chí vài giờ, theo cách mới để phản ứng kịp thời với thách thức hoặc nhu cầu của xã hội.

Ví dụ, trong khi diễn ra cách ly xã hội trong giai đoạn Covid-19, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chỉ mất vài ngày có thể triển khai dịch vụ tờ khai xuất nhập cảnh điện tử. Chính quyền có thể đo lường theo thời gian thực hành vi tụ tập đông người và các điểm nóng dịch bệnh để cảnh báo tức thời, theo thời gian thực, tới người dân.

4. Cho phép sự tham gia nhiều hơn của người dân, của doanh nghiệp

Đó là sự chuyển đổi về cách thức tương tác giữa người dân và cơ quan chính quyền, từ việc người dân chỉ thụ động nhận kết quả đến việc người dân có thể tham gia vào việc làm cho chất lượng dịch vụ trở nên tốt hơn, từ việc doanh 14 nghiệp chỉ tham gia vào thiết lập các hệ thống kỹ thuật công nghệ để cung cấp dịch vụ đến việc doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho người dân trên cơ sở dữ liệu mở của Chính phủ.

Trong sự chuyển đổi này, Chính phủ không chỉ cung cấp dịch vụ công, mà còn trở thành nhà cung cấp nền tảng lớn cho phép bên thứ 3 kết nối, ví dụ, dữ liệu mở hoặc các hệ thống phân tích dữ liệu, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Ví dụ, các dịch vụ triển khai giai đoạn COVID-19 như dịch vụ khai báo tình trạng sức khỏe bản thân, khai báo trường hợp nghi nhiễm v.v… hay dịch vụ phản ánh hiện trường trong đô thị thông minh.

5. Dữ liệu là trung tâm

Đó là sự chuyển đổi về cách thức ra quyết định của cơ quan chính quyền từ dựa trên báo cáo bản giấy truyền thống là chính sang dựa trên dữ liệu phân tích định lượng, có thể được tổng hợp tự động từ nhiều nguồn khác nhau.

Ví dụ, quá trình ra quyết định phân luồng, cho phép thông quan hàng hóa ở cửa khẩu được hỗ trợ bởi việc tự động tổng hợp, phân tích dữ liệu liên quan (khai báo điện tử, truy xuất dữ liệu lịch sử, v.v…) đã giúp rút thời gian xử lý từ nhiều giờ xuống chỉ còn vài giây.

6. Phát triển kỹ năng số

Đó là sự chuyển đổi về kỹ năng số của từng cán bộ trong cơ quan chính quyền từ việc chỉ đơn thuần là kỹ năng sử dụng công nghệ sang bổ sung thêm các kỹ năng về phân tích và xử lý dữ liệu và kỹ năng giao tiếp hiệu quả với các bên để thích ứng với sự chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số.

7. Ứng dụng công nghệ mới

Đó là sự chuyển đổi về cách thức ứng dụng công nghệ trong cơ quan nhà nước khi xuất hiện hàng loạt công nghệ mới, chuyển từ việc ứng dụng công nghệ để đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ sang ứng dụng công nghệ để phục vụ và thích ứng kịp với sự phát triển nhanh và sáng tạo của nền kinh tế số, sự bùng nổ thông tin và sự phát triển của xã hội số.

Trước đây vòng đời của một giải pháp công nghệ ứng dụng trong Chính phủ được tính theo năm thì hiện nay, các giải pháp công nghệ phải nâng cấp hàng tháng, thậm chí hàng tuần để đáp ứng nhu cầu quản lý.

Trước đây việc thay đổi quy trình nghiệp vụ, cải cách hành chính thường được đánh giá và ra quyết định dựa trên các cuộc khảo sát tốn kém và mất nhiều thời gian thì nay, việc cải tiến quy trình nghiệp vụ được tiến hành thường xuyên dựa trên dữ liệu của chính các hệ thống công nghệ đang vận hành nhờ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn.

Việc ứng dụng công nghệ mới giúp Chính phủ phục vụ theo nhu cầu riêng của từng người dân, doanh nghiệp, chẳng hạn các ứng dụng AI chatbots, ứng dụng di động kết hợp trợ lý ảo.

Theo Lao động Thủ đô

https://laodongthudo.vn/bay-diem-khac-biet-giua-chinh-phu-dien-tu-va-chinh-phu-so-112490.html

Mọi chi tiết tư vấn vui lòng liên hệ:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHOẺ - HETEC

 Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799                     - Hotline: 0917 021 858

Email: hetecvietnam@gmail.com            Website: https://hetec.vn 

Tin khác

FACEBOOK


LIÊN HỆ


LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHỎE - HETEC

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;  Email: hetecvietnam@gmail.com; Website: https://hetec.vn 

Chịu trách nhiệm nội dung: Tiến sĩ Lê Hữu Thi - Viện trưởng 

LIÊN KẾT MẠNG XÃ HỘI
Social   Social   Social  
© 2019 hetec.vn. All Rights Reserved