Cứ vào tháng 9 hàng năm, Trường Đại học Tôn Đức Thắng lại tổ chức tập huấn cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh về các kỹ năng cần thiết trong nghiên cứu khoa học. Tham gia chương trình tập huấn, có các học viên cao học và nghiên cứu sinh đến từ nhiều nước khác nhau như Việt Nam, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines…
Tại lớp tập huấn, các học viên cao học và nghiên cứu sinh sẽ được nghe trình bày về các chủ đề rất quan trọng trong trích dẫn khoa học như: tại sao phải trích dẫn khoa học? trích dẫn khoa học như thế nào? điều gì sẽ xảy ra nếu vi phạm nguyên tắc trích dẫn khoa học? làm thế nào để tìm kiếm tài liệu trích dẫn?
Trích dẫn khoa học giúp thể hiện sự hiểu biết/cập nhật các kiến thức mới nhất trong chuyên ngành, cung cấp nguồn gốc của các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu; thể hiện sự tôn trọng đối với tác giả của các công trình liên quan trước đó và là cách duy nhất để khẳng định tính mới của kết quả nghiên cứu.
Đối với nguyên tắc trích dẫn khoa học, tất cả các tuyên bố về dữ liệu phải được trích dẫn, không trích dẫn những tài liệu chưa đọc, cần có danh mục các tài liệu có thể trích dẫn trong công trình, tuân thủ quy định về trích dẫn của nơi công bố công trình. Đặc biệt, tất cả các học viên và nghiên cứu sinh được cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng trong nghiên cứu nếu vị phạm nguyên tắc trích dẫn khoa học, cụ thể: nếu vi phạm nguyên tắc trích dẫn bằng việc sử dụng những kết quả đã được công bố để đưa vào công trình nghiên cứu nhưng không trích dẫn phù hợp thì có thể dẫn đến việc đạo văn và đạo văn là một hành vi bị nghiêm cấm trong học thuật.
Kỹ thuật tìm kiếm tài liệu để tham khảo và trích dẫn trong nghiên cứu đóng vai trò quan trọng. Có 5 nguồn tham khảo mà các nhà khoa học cần quan tâm, bao gồm: 1) Google Scholar: là cơ sở dữ liệu mở trong Google (Mỹ), thống kê các công trình khoa học trên hầu hết các diễn đàn khoa học trên thế giới, điểm yếu của cơ sở dữ liệu này các kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học không chính thức cũng được liệt kê, đo đó phải hết sức cảnh giác khi sử dụng cơ sở dữ liệu này; 2) ISI là cơ sở Web of Science của Clarivate (Mỹ) chuyên thống kê các công trình được xuất bản trên các tập san ISI (hiện nay, có 21.415 tập san ISI và là những tập san khoa học uy tín nhất trên thế giới, trong số hàng triệu tập san đang được xuất bản, đây là cở sở dữ liệu khoa học quan trọng nhất và không thể thiếu đối với các nhà nghiên cứu, đại học và viện nghiên cứu trên thế giới); 3) Scopus là cơ sở dữ liệu khoa học của Hà Lan, chuyên thống kê các công trình được công bố trên 26.198 tập san Scopus; 4) Cơ sở dữ liệu công bố ISI/Scopus của Trường Đại học Tôn Đức Thắng: tất cả học viên cao học và nghiên cứu sinh được hướng dẫn truy cập các công trình ISI/Scopus của các nhà nghiên cứu trong Trường (đây là một nguồn dữ liệu tham khảo quan trọng và rất tiện lợi cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh của Trường trong quá trình nghiên cứu và công bố khoa học); 5) các nguồn dữ liệu khác: các học viên cao học và nghiên cứu sinh có tự tìm kiếm những nguồn dữ liệu khoa học khác nhau trên các phương tiện như internet, mạng xã hội… để tham khảo trong quá trình nghiên cứu.
Toàn cảnh của buổi tập huấn.
Những thông tin trên là rất cần thiết, tạo nền tảng cơ bản cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh trong quá trình chập chững đi vào con đường nghiên cứu. Việc nắm vững các khía cạnh của trích dẫn khoa học giúp cho họ tự tin hơn trong quá trình nghiên cứu, đặc biệt là trong việc trình bày luận văn, luận án tốt nghiệp. Đây cũng là sự chuẩn bị quan trọng có những người mong muốn làm nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp trong tương lai.
Theo Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam
https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3801/trich-dan-khoa-hoc--ky-nang-quan-trong-cua-nguoi-nghien-cuu-khoa-hoc.aspx