Tàu vũ trụ con thoi Argo.
Con tàu mới có khả năng cung cấp và thu nhận hàng hóa từ Trạm Vũ trụ quốc tế ISS với chi phí chỉ bằng một nửa chi phí khi sử dụng tàu con thoi Dragon của Công ty SpaceX (Mỹ). Hợp đồng có thời hạn 5 năm và tự động được gia hạn nếu cả hai bên không có ý định chấm dứt hợp tác.
Công ty MTKS đã được đăng ký tại Korolev gần Moscow vào tháng 5 năm 2019. Hoạt động chính của công ty này là nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Roskosmos cho biết, hợp đồng có tính chất “khung” và “không bao gồm bất kỳ ràng buộc nào, kể cả tài chính”. Và chính tài chính sẽ quyết định sự thành bại của việc kinh doanh.
Ông Sergei Sopov, đại diện Công ty MTKS cho biết, tàu vũ trụ chở hàng có thể tái sử dụng Argo do công ty thiết kế sẽ sẵn sàng vào năm 2024. Ông nói thêm rằng, việc tạo ra bốn tàu vũ trụ con thoi sẽ tiêu tốn của MTKS khoảng 136 triệu euro.
Đối với việc vận chuyển và thu hồi hàng hóa trên quỹ đạo, công ty Nga hứa hẹn thực hiện sứ mệnh này với giá chỉ bằng một nửa so với các đối thủ phương Tây.
“Trong trường hợp sứ mệnh có phi hành đoàn Crew Dragon của Công ty SpaceX (Mỹ), chi phí là 150 triệu USD. Số tiền này bao gồm vận chuyển và trả lại hàng hóa, kết nối tàu với Trạm ISS và chi phí cho tên lửa Falcon 9. Công ty MTKS dự định cung cấp và thu hồi hàng hóa từ trạm quỹ đạo sang tàu vũ trụ Argo với chi phí 69 triệu USD”, ông Sopov giải thích.
Công ty MTKS dự kiến, kể từ năm 2025, mỗi năm sẽ thực hiện tối đa 3 chuyến bay lên Trạm ISS. Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch thực hiện 1 hoặc 2 chuyến bay mỗi năm để đưa các đối tượng thương mại vũ trụ lên các quỹ đạo khác nhau.
Hiện tại, một số tàu vũ trụ khác nhau thực hiện cung cấp hàng hóa lên Trạm ISS, trong đó có tàu Progress của Nga, Dragon v2 và Cygnus của Mỹ, HTV của Nhật Bản. Đối với việc đưa hàng hóa trở lại Trái đất, hiện chỉ có Công ty SpaceX của Mỹ thực hiện dịch vụ này.
Theo ông Sopow, nhu cầu về các loại hình dịch vụ này đang tăng lên. Điều này là kết quả của “sự quan tâm ngày càng nhiều đến việc thực hiện các thí nghiệm của các tổ chức khoa học và giáo dục cũng như các doanh nghiệp tư nhân”, ông giải thích.
Nga chỉ có thể vận chuyển hàng hóa từ quỹ đạo với sự hỗ trợ của các tàu vũ trụ có người lái. Do đó, khối lượng của hàng hóa bị hạn chế: Các tàu vũ trụ thuộc dòng Soyuz, trong chuyến bay có phi hành đoàn gồm ba thành viên, chỉ có thể vận chuyển tối đa 100 kg hàng hóa; trong tàu vũ trụ có người lái Orel dự kiến được chế tạo của Nga – khối lượng hàng hóa lên đến 500 kg.
Tàu Argo có thể đưa hàng hóa với khối lượng lên đến 2.000 kg vào quỹ đạo, và sau đó có khả năng vận chuyển 1.000 kg hàng hóa trở về Trái đất.
Theo Giáo dục & Thời đại
https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nga-che-tao-tau-vu-tru-con-thoi-bLh2UxcGR.html