Một nghiên cứu mới tại trường đại học Free tại Brussels, Bỉ đã chứng minh được, dù con người nói ngôn ngữ nào đi chăng nữa, cụm từ ngắn hay dài, nói nhanh hay chậm, thì tốc độ truyền tải thông tin bằng từ ngữ cũng rơi vào khoảng 39 bit một giây, nhanh gấp đôi mã Morse. Trước đây nhiều nhà ngôn ngữ học đã cho rằng, những ngôn ngữ giàu thông tin (nhiều thì động từ, danh từ chia theo giới tính đực cái chẳng hạn) được nói chậm hơn, trong khi những ngôn ngữ “ít thông tin” như tiếng Ý thì được con người nói nhanh hơn. Nhưng mãi đến bây giờ các nhà khoa học mới có bằng chứng cho nhận định đó.
Họ bắt đầu với việc tính toán chữ viết từ 17 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Anh, Ý, Nhật và tiếng Việt. Họ tính toán lượng thông tin trong một câu nói bằng đơn vị bit. Kết quả là, tiếng Nhật, với 643 âm tiết, sở hữu 5 bit thông tin trên mỗi âm tiết. Trong khi đó tiếng Anh với 6949 âm tiết nhưng chỉ có 7 bit thông tin mỗi âm tiết mà thôi. Các nhà khoa học phát hiện ra, tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ giàu thông tin nhất, mỗi âm tiết chứa 8 bit thông tin, với 6 thanh điệu (dấu) cho phép thay đổi âm tiết.
Kế đến, các nhà nghiên cứu bỏ ra 3 năm trời ghi âm 10 người nói 14 thứ tiếng, và tìm băng ghi âm cho 3 thứ tiếng còn lại. Một câu nói được dịch sang tiếng mẹ đẻ của họ, rồi các nhà khoa học tính toán câu nói đó mất mấy giây để đọc xong, rồi tính tốc độ âm tiết/giây. Có những ngôn ngữ có tốc độ nói nhanh hơn, nhưng khi nhân tốc độ với lượng thông tin trong mỗi âm tiết, họ phát hiện ra rằng: Bất kể ngôn ngữ, tốc độ nói nhanh hay chậm, tốc độ truyền tải thông tin trong mỗi câu nói đều nằm ở mức trung bình khoảng 39,15 bit/s.
Điều này cũng chứng minh được, bộ não con người bị nghẽn cổ chai. Chúng ta có thể nghe một đoạn băng ghi âm ở tốc độ 120% hay 150% nhưng vẫn hiểu và tiếp nhận được thông tin đầy đủ không thiếu gì, nhưng khi nói thì chỉ dừng lại được ở tốc độ 39 bit/s kể trên vì tốc độ tư duy.
Theo Khoahoc.tv
https://khoahoc.tv/cac-nha-khoa-hoc-tinh-toan-duoc-toc-do-noi-chuyen-cua-con-nguoi-39-bit-mot-giay-107575