TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc, TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, hiện nay Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì vậy, tại hội thảo hôm nay mong rằng các đại biểu đưa ra những phân tích một số khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường ảnh hưởng tới xu hướng phát triển năng lượng hiện nay; Dự báo nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của năng lượng quốc gia căn cứ trên mô hình tăng trưởng kinh tế; Vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam; Vận động tăng cường nguồn nhân lực, vật lực, tài chính cho năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; Những giải pháp và kiến nghị đối với vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam.
PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Vụ trưởng Vụ KH, CN&MT, Ban Tuyên giáo Trung ương
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Việt Nam cũng đang phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Với quy mô kinh tế hiện nay và tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng trên dưới 7%/năm, nhu cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, Việt Nam hiện nay đang ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu các nguồn than và khí hóa lỏng từ nước ngoài để phát triển nhiệt điện. Phát triển nhiệt điện đã và đang bộc lộ những hạn chế trong việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khi hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhiệt điện than, là nguồn chiếm khoảng 48% sản lượng điện trên cả nước.
Ngoài ra, PSG Linh cho biết thêm, để đối mặt với tình trạng này, việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là xu thế tất yếu nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu, các nguồn năng lượng sơ cấp và góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID)
Còn đối với ý kiến của bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, cần thiết lập một cơ chế điều phối cấp Nhà nước để thúc đẩy hợp tác liên ngành, xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi công bằng bao gồm cả đẩy mạnh cải cách thị trường điện và giá điện tính đúng, tính đủ, minh bạch.
Ngoài ra, theo bà Khanh thì Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi chính sách phát triển năng lượng đồng bộ và rõ ràng, ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển ngành năng lượng tái tạo, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch đốt than, cải thiện lưới điện.
Chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần quan tâm cả quy mô tập trung, phân tán và tích hợp để vừa tránh xung đột về đất đai, vừa đảm bảo sinh kế và cơ hội hợp tác mới của người dân và các nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng trong chuyển dịch năng lượng.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến và theo ý kiến của các đại biểu thì cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cụ thể về thủy điện nhỏ; Năng lượng gió; Năng lượng sinh khối; Năng lượng mặt trời; Về điện năng thủy triều; Về nhiêu liệu sinh học; Năng lượng khí sinh học.
Được biết, theo kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, dự báo về nhu cầu năng lượng cho thấy, đến năng 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2015. Năng lượng cuối cùng có thể tăng từ 54 triệu TOE ở năm 2015 lên đến khoảng 90 triệu TOE ở năm 2025. Năng lượng cuối cùng có thể đạt mức 134,5 triệu TOE vào năm 2035. Trong giai đoạn 2016-2025, năng lượng cuối cùng tăng khoảng 5,1%/năm và có xu hướng giảm xuống mức 4,2%/năm ở giai đoạn 2026-2035 phù hợp với mức tăng dần của tăng trưởng GDP và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Trong cả giai đoạn 2016-2035, hệ số đàn hồi nhu cầu năng lượng cuối cùng so với GDP là 0,67 lần. Hệ số này có xu hướng giảm dần trong các giai đoạn 10 năm, ở giai đoạn 2016-2025 là 0,68 sau đó giảm xuống mức 0,64 cho giai đoạn 2026-2035.
Vào năm 2035, mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải (chiếm tỷ trọng 27,5%) được dự báo sẽ gia tăng nhanh nhất (5,7%/năm), lĩnh vực công nghiệp (chiếm tỷ trọng 45,3%) có tốc độ tăng 5,0%/năm trong giai đoạn 2016-2035.
Dự báo cho thấy nhu cầu năng lượng tăng mạnh và một xu thế hợp lý về việc thay đổi trong cơ cấu nền kinh tế, sau một giai đoạn dài phát triển về chiều rộng, nền kinh tế trong những năm tới sẽ được phát triển theo chiều sâu, góp phần làm giảm cường độ năng lượng và hệ số đàn hồi nhu cầu năng lượng cuối cùng.
Các đại biểu đưa ra những ý kiến tại hội thảo
Theo: VUSTA