36 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội xứng đáng là địa chỉ đỏ của đội ngũ trí thức nước nhà

Ở nước ta, trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã có nhiều hội như: Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Nông hội đỏ, Công hội đỏ, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn Thanh niên cứu quốc, Hội Văn hóa cứu quốc,... được thành lập để tập hợp quần chúng tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.

Cố Đại Tướng Võ Nguyên Giáp dự lễ thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam ngày 26/3/1983

Sau hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để nhiều hội nghề nghiệp được thành lập, nhất là sau khi Nhà nước ban hành Sắc lệnh số 52 ngày 22/4/1946 quy định về hội và Sắc lệnh số 102/SL/L004 quy định về quyền lập hội. Mặc dù trong kháng chiến gian khổ nhưng đã có nhiều hội nghề nghiệp, trong đó có một số hội hoạt động trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật được thành lập, như: Hội Luật gia Việt Nam, Tổng hội Y Dược học Việt Nam, Hội Y học cổ truyền Việt Nam. Sau hòa bình lập lại đến 1965, một loạt các hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được thành lập, đó là: Hội toán học Việt Nam, Hội Vật lý Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học - Kỹ thuật Mỏ Việt Nam, Hội Đúc – Luyện kim Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức hội và các nhà khoa học mong muốn và tích cực chuẩn bị cho sự ra đời một tổ chức chung của các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Kết quả là vào tháng 3 năm 1965 “Ủy ban liên lạc lâm thời các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” đã được thành lập.

Trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước đã thêm có một số hội hoạt động trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật được thành lập: Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hội Khoa học – Kỹ thuật Nuôi ong Việt Nam, Hội Cơ học Việt Nam, Hội Khoa học – Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, Hội Khoa học – Kỹ thuật Xây dựng Việt Nam, Hội các ngành Sinh học Việt Nam. Cuối năm 1982 một tổ chức của trí thức khoa học và kỹ thuật đầu tiên được thành lập ở cấp địa phương là Hội liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.

Với sự tích cực vận động của Ủy ban liên lạc lâm thời các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong suốt 18 năm, ngày 26 tháng 3 năm 1983, tại Thủ đô Hà Nội, các đại biểu của 15 tổ chức hội hoạt động trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật đã tiến hành Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đại hội đã thông qua Điều lệ của Liên hiệp Hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành đại diện cho tất cả 15 hội thành viên và một số trí thức tiêu biểu. Đại hội đã bầu Thiếu tướng,  Anh hùng lao động, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch, đồng chí Lê Khắc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, các nhà khoa học: Nguyễn Văn Hiệu, Đào Văn Tập, Lê Văn Thới, Đường Hồng Dật làm Phó Chủ tịch.

Thủ Tướng CP Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh với lãnh đạo và cán bộ LHHVN trong buổi làm việc với LHHVN

Trong quá trình hoạt động, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam) đã từng bước phát triển và khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Từ một tổ chức quần chúng xã hội - nghề nghiệp trong 10 năm đầu (1983-1993), Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua các cấp hội tập hợp các hội viên từ trung ương tới địa phương, Liên hiệp Hội Việt Nam luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, tinh thần cộng đồng, tính trung thực trong khoa học và đạo đức nghề nghiệp trong giới trí thức; động viên đội ngũ trí thức tích cực tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với chuyên môn, nghề nghiệp của mình. Từ một tổ chức với 15 hội thành viên lúc thành lập, đến nay Liên hiệp Hội Việt Nam đã thành một tổ chức có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 171 hội chuyên ngành hoạt động trên phạm vi toàn quốc tập hợp trong 87 hội, tổng hội và 63 liên hiệp hội ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thu hút tới 3 triệu hội viên với gần 2 triệu trí thức.

Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực và chủ động hưởng ứng các hoạt động do Mặt trận phát động. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng trong việc đoàn kết, tập hợp và đại diện cho trí thức KH&CN Việt Nam thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Thủ Tướng CP Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh với lãnh đạo và cán bộ LHHVN trong buổi làm việc với LHHVN

Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện, đường lối, chính sách quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và của các địa phương; chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, vùng lãnh thổ; các dự thảo luật trình Quốc hội. Qua thực tiễn hoạt động, Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là một tổ chức có năng lực và đáng tin cậy trong việc tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn về chủ trương, đường lối chính sách phát triển đất nước.

Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên tập hợp đội ngũ trí thức có uy tín, các nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia tư vấn, phản biện xã hội các đề án, chính sách có ảnh hưởng lớn ở tầm quốc gia hoặc địa phương, có tính chất  liên ngành, đa ngành. Hoạt động này đã có tác dụng rất tích cực, góp phần cung cấp thêm bằng chứng khoa học giúp cho Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xem xét thận trọng trước khi quyết định các vấn đề lớn về chủ trương, đường lối chính sách, các dự án đầu tư quan trọng.

Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên phát huy thế mạnh của đội ngũ trí thức đông đảo tham gia vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ trong nhân dân, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí và đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Đã tích cực, chủ động huy động được nhiều nguồn lực tham gia hoạt động trong các lĩnh vực KH&CN, BVMT, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, tạo uy tín đối với xã hội.

UVBCT Trưởng ban Ban TGTƯ trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân trong lễ tôn vinh trí thức KHCN tiêu biểu năm 2017

Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Hoạt động hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, nhất là trên lĩnh vực KH&CN đã góp phần mở rộng mặt trận ngoại giao nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Trong 36 năm hoạt động, hàng nghìn công trình khoa học và các nhà khoa học, nhà sáng tạo đã được tôn vinh ở cấp quốc gia và quốc tế. Với những thành tựu và kết quả đạt được, Liên hiệp Hội Việt Nam luôn là chỗ dựa vững chắc cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, là địa chỉ tin cậy của Đảng và Nhà nước trong công tác tập hợp và đoàn kết trí thức, xứng đáng với các danh hiệu cao quý và Huân chương Độc lập hạng Nhất mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho Liên hiệp Hội Việt Nam.

Theo: TS Phạm Văn Tân Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA/Vusta.vn

Mọi chi tiết tư vấn vui lòng liên hệ:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHOẺ - HETEC

 Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799                     - Hotline: 0917 021 858

Email: hetecvietnam@gmail.com            Website: https://hetec.vn 

Tin khác

FACEBOOK


LIÊN HỆ


LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHỎE - HETEC

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;  Email: hetecvietnam@gmail.com; Website: https://hetec.vn 

Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Hữu Thi - Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khoẻ

LIÊN KẾT MẠNG XÃ HỘI
Social   Social   Social  
© 2019 hetec.vn. All Rights Reserved