Tăng cường trách nhiệm doanh nghiệp trong xử lý rác thải nhựa

Mở rộng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với một sản phẩm, kể cả khi sản phẩm đấy trở thành rác thải sẽ khiến doanh nghiệp định hướng lại sản xuất các sản phẩm nhựa và là tiền đề để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Năng lực tái chế của Việt Nam còn hạn chế

Rác thải nhựa không còn là nguy cơ mà đang trở thành thảm họa ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới. Ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, cố vấn của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) nhận định: “Mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại chỉ dựa trên nền tảng Lấy (Take), Tạo ra (Make) - Vứt bỏ (Disposal) đã khiến chúng ta đang đối diện với thách thức về nguồn tài nguyên hữu hạn đang cạn kiệt, môi trường tự nhiên đang bị phá hủy bởi lượng rác thải khổng lồ và mất hàng trăm năm mới tiêu hủy hoàn toàn, sức khỏe con người đang bị đe dọa do môi trường sống như nguồn nước, không khí… bị xuống cấp trầm trọng".

Hiện nay, để giải quyết vấn đề này, thường xoay quanh 3 hạng mục quan trọng. Thứ nhất, thúc đẩy cải tiến bao bì, hướng đến sử dụng các vật liệu bền vững. Thứ hai, tập trung thu gom, phân loại, tái chế rác thải và cuối cùng, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về rác thải nhựa trong cộng đồng.

Trong đó, tập trung thu gom, phân loại, tái chế rác thải được xem là bước quan trọng để giảm thiểu số lượng rác thải nhựa phát sinh. Tuy nhiên, hiện nay năng lực tái chế của Việt Nam còn rất hạn chế.

Một phần nguyên nhân là do các loại rác thải nhựa hiện nay như túi nilon, bao bì… đều được sản xuất từ nhựa sử dụng 1 lần. Với nhựa dùng 1 lần, chi phí sản xuất của doanh nghiệp thấp hơn so với nhựa có thể tái chế; nhưng lại không có giá trị khi tái chế.

Do đó, cần có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trung sản xuất túi nhựa, hay mở rộng ra, là trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm, kể cả khi sản phẩm đấy trở thành rác thải.

Nội dung này đã từng được đề cập tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2004, với tên gọi trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR). Tuy nhiên, đến nay việc mở rộng trách nhiệm này vẫn chưa thể đi vào thực chất.

Cụ thể, EPR sẽ yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm cả việc thu gom, tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (chuẩn bị cho) tái sử dụng, phục hồi hoặc xử lý cuối cùng.

Theo bà Nguyễn Hoàng Phượng, Tư vấn chính sách và pháp luật của Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) cho biết, ERP sẽ góp phần giảm chi phí quản lý các sản phẩm tới cuối vòng đời bằng cách giảm việc thải bỏ và tăng tái chế.

Nhà sản xuất phải có trách nhiệm với cả vòng đời của sản phẩm

Hiện nay, theo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, đã thay đổi cách tiếp cận quản lý môi trường, trong đó, thể chế hóa “Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền” và tiếp cận quản lý chất thải rắn dựa trên nguyên tắc thị trường.

Dự án Luật có các quy định mới về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu như: Phân loại và thu phí dựa trên khối lượng chất thải; đặt cọc - hoàn trả; trách nhiệm tái chế chất thải; trách nhiệm xử lý chất thải…

Đối với trách nhiệm tái chế chất thải của nhà sản xuất, Dự án Luật quy định cụ thể về nhóm sản phẩm thuộc đối tượng bắt buộc tái chế gồm: Pin và ắc quy; Thiết bị điện, điện tử; Săm lốp; Dầu nhớt; Bao bì sản phẩm.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất phải có trách nhiệm với cả vòng đời của sản phẩm, buộc phải có trách nhiệm xử lý chất thải bằng phương thức nhà sản xuất đóng góp tài chính để xử lý chất thải. Tài chính được đóng góp bởi các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sẽ được Bộ TN&MT hỗ trợ chính quyền địa phương thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt (minh bạch, công khai).

Trong trường hợp, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu không đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải thì bị xử phạt hành chính và nộp phạt cho số tiền chậm nộp (30% số tiền chậm nộp).

Nhờ đó, sẽ thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường; đồng thời tạo nguồn tài chính để hỗ trợ cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương.

Ngoài ra, EPR cũng tạo tiền đề cho hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn ra đời dựa trên nguyên tắc giảm thiểu sử dụng nguồn tài nguyên, tái tạo tài nguyên, tăng vòng đời sử dụng sản phẩm bằng tái sử dụng, tân trang, tái tạo và tái chế.

Tuy nhiên, việc thu gom và tái chế chất rắn nói chung, bao bì đã qua sử dụng nói riêng nhằm thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành bao bì tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp sản xuất bao bì của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhân lực, tài chính khá hạn chế để có thể thực hiện một dự án thí điểm về theo dõi vòng đời của bao bì.

Ngoài ra, còn do các vật liệu, chất rắn có giá trị đang được thu gom bởi các đơn vị thu gom chính thức hoặc không chính thức chỉ chiếm lượng nhỏ thì lượng chất thải rắn không có giá trị cần thu gom chiếm số lượng lớn…

Các thách thức trên đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để đưa ra được mô hình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – EPR hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, hướng đến mục đích cuối cùng là bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường nhưng vẫn cân bằng được lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp.

Để giải quyết những khó khăn trên, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cho rằng, giữa Bộ TN&MT và các nhà sản xuất, các doanh nghiệp cần phối hợp, gắn kết để đưa ra được mô hình EPR phù hợp nhất, đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, hướng đến nền kinh tế toàn hoàn, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường.

 

Mọi chi tiết tư vấn vui lòng liên hệ:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHOẺ - HETEC

 Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799                     - Hotline: 0917 021 858

Email: hetecvietnam@gmail.com            Website: https://hetec.vn 

Tin khác

FACEBOOK


LIÊN HỆ


LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHỎE - HETEC

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;  Email: hetecvietnam@gmail.com; Website: https://hetec.vn 

Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Hữu Thi - Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khoẻ

LIÊN KẾT MẠNG XÃ HỘI
Social   Social   Social  
© 2019 hetec.vn. All Rights Reserved