Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định, phát triển thị trường KH&CN là một điều kiện cần thiết để phát triển KH&CN. Trong những năm qua, thị trường KH&CN Việt Nam đã gia tăng cả về quy mô và tốc độ phát triển. Các loại hình hàng hóa trên thị trường KH&CN ngày càng đa dạng và phong phú, theo đó các hình thức giao dịch trên thị trường này cũng đa dạng hơn, gồm nhiều hình thức như: giao dịch mua bán bản quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; giao dịch chuyển giao công nghệ là các thiết bị, máy móc, công nghệ giữa các chủ thể tham gia thị trường… Tuy vậy, thực tế cho thấy, so với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, giá trị và lượng hàng hóa giao dịch ở nước ta chưa nhiều, thị trường KH&CN vẫn ở trình độ thấp, các yếu tố cấu thành thị trường chưa phát triển đồng bộ; năng lực của chủ thể trên thị trường KH&CN còn thấp, chưa đáp ứng được các nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Các tổ chức trung gian trong thị trường KH&CN sẽ kết nối các nhà phát minh, bên cung cấp công nghệ và bên sử dụng công nghệ, đóng vai trò là cầu nối giữa các bên và tạo điều kiện cho các hoạt động chung về KH&CN được diễn ra thông suốt trong một cộng đồng đổi mới toàn cầu. PGS.TS Bùi Đức Thọ bày tỏ hy vọng, Hội thảo sẽ góp phần tìm ra các giải pháp hữu ích, có tính khả thi nhằm hỗ trợ cho sự phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường KH&CN và góp phần nâng cao trình độ KH&CN của Việt Nam.
Đề cập tới định hướng phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam đến 2020, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã nêu lên 6 nhiệm vụ có liên quan, trong đó có nhiệm vụ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Chính sách về tổ chức trung gian của thị trường KH&CN cần được tiếp tục hoàn thiện từ 3 khía cạnh: định nghĩa về tổ chức trung gian KH&CN; thể chế, chính sách phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN hiệu quả; các chính sách phát triển tổ chức trung gian KH&CN tạo động lực thúc đẩy các bên liên quan tham gia phát triển thị trường KH&CN.
Thông qua kết quả khảo sát các tổ chức trung gian KH&CN, PGS.TS Đào Thị Thanh Lam (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đã đề xuất một số tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức trung gian KH&CN gồm các chỉ số tài chính; chỉ số về quá trình cũng như tiêu chí đánh giá năng lực của tổ chức trung gian (gồm năng lực tĩnh và năng lực động). Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu cũng đã nêu lên một số điểm hạn chế về năng lực của các tổ chức trung gian trên thị trường KH&CN có liên quan tới hệ thống quản lý tri thức, quản lý khách hàng; mức độ khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu về KH&CN; khả năng thích ứng với thay đổi của thị trường; hệ thống chuyên gia thẩm định chuyên sâu…
Hội thảo là cơ hội quý để các nhà khoa học, quản lý và các doanh nghiệp trao đổi về các khía cạnh liên quan tới hoạt động của các tổ chức trung gian KH&CN từ đó tìm các biện pháp khắc phục, tiếp tục hoàn thiện các chính sách phát triển thị trường KH&CN trong giai đoạn tới.
Theo Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam
https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3795/giai-phap-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-cac-to-chuc-trung-gian-tren-thi-truong-khcn-viet-nam.aspx