Điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 17/11/2020, trong đó đã tạo ra nhiều bước đột phá với những quy định được bổ sung, điều chỉnh so với Luật BVMT năm 2014 nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết trong thực tiễn cuộc sống.

Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, dịch vụ đã đi vào hoạt động thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001. Bài viết dưới đây liệt kê danh mục loại hình sản xuất có yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn quản lý môi trường.

Căn cứ hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam. Quốc hội ban hành luật bảo vệ môi trường luật số 72/2020/QH14 trong đó:

Điều 53. Bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm sau đây:

a) Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc trong khu đô thị, khu dân cư tập trung đã có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, chủ cơ sở phải thực hiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung đó, trừ trường hợp cơ sở đã được miễn trừ đấu nối nước thải trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

b) Cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 51 và điểm đ khoản 3 Điều 52 của Luật này;

c) Thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định của Luật này;

d) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt;

đ) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;

e) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 111 và khoản 2 Điều 112 của Luật này phải bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận;

Xem chi tiết tại đây

Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực áp dụng từ ngày 01-01-2022

Phục lục II danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 1 năm 2022 của chính phủ:

Xem chi tiết tại đây

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP xem tại đây

Quan trắc tuân thủ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Các quy định mới về quan trắc nước thải định kỳ trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP

Điều 111. Quan trắc nước thải

1. Đối tượng phải quan trắc nước thải định kỳ bao gồm

a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xả nước thải ra môi trường;

b) Dự án đầu tư, cơ sở có lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường.

Điều 112. Quan trắc bụi, khí thải công nghiệp

2. Đối tượng phải quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ gồm dự án đầu tư, cơ sở có lưu lượng xả thải lớn ra môi trường.

Thông số quan trắc và tần suất quan trắc nước thải định kỳ được quy định cụ thể trong giấy phép môi trường. Thông số quan trắc được xác định theo các căn cứ sau đây: Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải; loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhiên liệu, nguyên liệu và hóa chất sử dụng; công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải; các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường được phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường; theo đề nghị của chủ dự án, cơ sở. Cơ quan cấp giấy phép môi trường không được yêu cầu quan trắc thêm các thông số khác mà không dựa trên các căn cứ quy định tại điểm này.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng thay đổi quy định về mức lưu lượng xả thải quy định phải quan trắc trong giấy phép môi trường:

- Mức lưu lượng xả nước thải trung bình của dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 500 m3/ngày (24 giờ); mức lưu lượng xả nước thải lớn từ 500 m3/ngày (24 giờ) trở lên;

- Mức lưu lượng xả nước thải lớn của dự án, cơ sở không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ 500 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m3/ngày (24 giờ); mức lưu lượng xả nước thải rất lớn từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên.

- Phân loại đối tượng quan trắc theo hoạt động liên tục và hoạt động theo thời vụ:

+ Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động liên tục: Tần suất quan trắc nước thải định kỳ là 3 tháng/lần đối với trường hợp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và 6 tháng/lần đối với trường hợp còn lại.

+ Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo thời vụ thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường: tần suất quan trắc định kỳ là 1 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ từ 3 tháng trở xuống; 2 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 3 tháng đến 6 tháng; 3 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 6 tháng đến dưới 9 tháng; 4 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 9 tháng; bảo đảm thời gian giữa hai lần quan trắc tối thiểu là 3 tháng.

+ Riêng đối với các thông số tổng hóa chất bảo vệ thực vật clo hữu cơ, tổng hóa chất bảo vệ thực vật phốt pho hữu cơ, tổng Polychlorinated Biphenyl (PCB), Dioxin, Halogen hữu cơ dễ bị hấp thụ (nếu có), tần suất là 1 năm/lần cho tất cả các trường hợp nêu trên.

Quan trắc nước thải tự động, liên tục

Việc điều chỉnh, phân loại cụ thể các đối tượng phải thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, dự án đầu tư có mức lưu lượng xả nước thải ra môi trường quy định tại Cột 4 Phụ lục 28 ban hành kèm theo Nghị định phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Dự án, cơ sở có mức lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường quy định tại số thứ tự 3 Cột 5 Phụ lục 28 ban hành kèm theo Nghị định đã lắp đặt và tiếp tục duy trì hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định được miễn thực hiện quan trắc nước thải định kỳ quy định tại khoản 3 Điều 97. Dự án, cơ sở có mức lưu lượng xả nước thải trung bình ra môi trường quy định tại số thứ tự 2 Cột 5 Phụ lục 28 ban hành kèm theo Nghị định này đã lắp đặt và tiếp tục duy trì hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục hoặc dự án, cơ sở khác không thuộc trường hợp phải lắp đặt theo quy định nhưng đã lắp đặt hoặc tự nguyện lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, Dự án, cơ sở xả nước làm mát có sử dụng clo hoặc hóa chất khử trùng để diệt vi sinh vật ra môi trường với lưu lượng từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên thì chủ dự án, cơ sở lắp đặt các thông số quan trắc tự động, liên tục gồm: lưu lượng, nhiệt độ và clo đối với nguồn nước làm mát đó. Dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đã thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục các thông số quan trắc chính đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong 3 năm liên tiếp và kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gần nhất (có mẫu nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường) không có vi phạm về hành vi xả nước thải thì được miễn thực hiện quan trắc nước thải định kỳ.

Quan trắc khí thải định kỳ

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã bổ sung phân loại đối tượng theo mức lưu lượng xả thải. Đối với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động liên tục thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường: tần suất quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ là 6 tháng/lần đối với các thông số kim loại nặng, hợp chất hữu cơ (nếu có), 1 năm/lần đối với thông số Dioxin/Furan (nếu có) và 3 tháng/lần đối với các thông số còn lại. Đối với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động liên tục không thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường: tần suất quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ là 1 năm/lần đối với các thông số kim loại nặng, hợp chất hữu cơ (nếu có), Dioxin/Furan (nếu có) và 6 tháng/lần đối với các thông số còn lại. Với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo thời vụ thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường: tần suất quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ đối với các thông số kim loại nặng, hợp chất hữu cơ (nếu có) là 1 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ từ 6 tháng trở xuống, 2 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ trên 6 tháng; tần suất quan trắc Dioxin/Furan (nếu có) là 1 lần/năm. Đối với các thông số còn lại, tần suất quan trắc là 1 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ từ 3 tháng trở xuống; 2 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 3 tháng đến 6 tháng; 3 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 6 tháng đến dưới 9 tháng; 4 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 9 tháng; bảo đảm thời gian giữa hai lần quan trắc tối thiểu là 3 tháng.

Đối với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo thời vụ không thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường: tần suất quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ đối với các thông số kim loại nặng, hợp chất hữu cơ (nếu có) là 1 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ từ 6 tháng trở xuống, 2 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ trên 6 tháng; tần suất quan trắc Dioxin/Furan (nếu có) là 1 lần/năm. Đối với các thông số còn lại, tần suất quan trắc định kỳ là 1 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ từ 6 tháng trở xuống; 2 lần trong trường hợp hoạt động thời vụ dài hơn 6 tháng; bảo đảm thời gian giữa hai lần quan trắc tối thiểu là 6 tháng.

Quan trắc khí thải tự động, liên tục

Thời hạn hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục (có camera theo dõi) và kết nối, truyền số liệu trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh chậm nhất là ngày 31/2/2024 đối với dự án, cơ sở xả bụi, khí thải công nghiệp ra môi trường có mức lưu lượng hoặc công suất của công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải quy định tại Cột 5 Phụ lục 29 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Từ ngày 1/1/2025, dự án đầu tư xả bụi, khí thải công nghiệp ra môi trường có mức lưu lượng hoặc công suất của công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải quy định tại Cột 5 Phụ lục 29 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định phải lắp đặt hệ thống quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Dự án, cơ sở xả bụi, khí thải công nghiệp ra môi trường có mức lưu lượng hoặc công suất của công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải quy định tại Cột 5 Phụ lục 29 ban hành kèm theo Nghị định này đã lắp đặt hệ thống quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục theo quy định, được miễn thực hiện quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ quy định tại khoản 4 Điều 98 đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời gian này, chỉ được miễn thực hiện quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ quy định tại khoản 4 Điều 98 đối với các thông số đã được quan trắc tự động, liên tục…

 

Mọi chi tiết tư vấn vui lòng liên hệ:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHOẺ - HETEC

 Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799                     - Hotline: 0917 021 858

Email: hetecvietnam@gmail.com            Website: https://hetec.vn 

Tin khác

FACEBOOK


LIÊN HỆ


LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHỎE - HETEC

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;  Email: hetecvietnam@gmail.com; Website: https://hetec.vn 

Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Hữu Thi - Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khoẻ

LIÊN KẾT MẠNG XÃ HỘI
Social   Social   Social  
© 2019 hetec.vn. All Rights Reserved