TS Pham Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm
Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về giảm rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Đây là một nội dung quan trọng để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam cũng như khu vực và trên toàn thế giới.
TS Phạm Văn Hiếu – Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo trình bày tại tọa đàm
Theo TS Phạm Văn Hiếu – Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo cho biết, Trong nội dung Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 đề ra 7 nhiệm vụ chủ yếu. Đó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương; ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ đất liền; ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên biển; tăng cường xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động làm sạch, thu gom rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về rác thải nhựa đại dương; tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Dự thảo Kế hoạch cũng đã nêu ra 5 giải pháp chủ yếu, bao gồm triển khai các chương trình, kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan; huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai thực hiện Kế hoạch; đào tạo, tập huấn nâng cao kinh nghiệm năng lực cho đội ngũ cán bộ của các tổ chức quản lý, nghiên cứu và tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ về rác thải nhựa đại dương.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam
Còn đối với ý kiến của TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho rằng, về các nhiệm vụ chủ yếu nêu ở mục III thì ở nục này nêu 7 nhiệm vụ chính, phản ánh khá toàn diện các việc phải làm. Tuy nhiên nên cân nhắc bổ sung , nhấn mạnh các nội dung liên quan đến việc khuyến khích thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa đã ăn sâu bén rễ trong cộng đồng, doanh nghiệp và trong xã hội nói chung. Việc thay đổi thói quen không hề đơn giản, không thể thực hiện được chỉ bằng các định hướng chung chung hoặc mệnh lệnh hành chính đơn thuần. Về phương diện nào đó, sản phẩm nhựa có những ưu việt của nó mà việc tuyên truyền “suông”, việc ra các quy chế “không khả thi”, việc ngăn chặn “thô”, hoặc những nghiên cứu “nửa vời” không thể nào giải quyết được.
Còn về giải pháp nêu ở mục IV, theo TS Sinh thì 5 giải pháp mà Dự thảo đã nêu đều đúng, nhưng, về nguyên tắc, có thể cũng đúng với nhiều kế hoạch loại này, nghĩa là chưa thật cụ thể. Trong khi đó, nhiều “giải pháp” nên được nghiên cứu đưa vào lại không có. Chẳng hạn, có nên gọi tên một số phong trào quần chúng đã có tác dụng và tỏ ra bền vững đối với việc giảm thiểu rác nhựa đại dương? Có nên chỉ ra Kế hoạch này phải gắn kết, lồng ghép với những kế hoạch hành động nào, trong và ngoài nước?
Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã có nhiều ý kiến như tại phần I, bối cảnh tình hình theo ý kiến của các nhà khoa học cần kết cấu lại và thêm một số phân đoạn cho hợp lý và gộp thành 4 phân đoạn chính:
Phân đoạn I: gộp Phân đoạn 1 và 2 lại viết thật ngắn, xúc tích hơn) về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và ảnh hưởng của nó trên toàn cầu
Phân đoạn II: Hiện trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam phân tích thêm ở phần bối cảnh về sự cần thiết ngăn ngừa kiểm soát rác thải nhựa từ đất liền và từ các hoạt động trên biển vì đó là hai nguyên nhân chính dẫn đến rác thải nhựa đại dương.
- Các nguồn từ đất liền (nên có số liệu từ các thành phố lớn) và từ biển (dựa trên số liệu hoặc các kết quả nghiên cứu của một số tổ chức đã công bố).
- Phân tích ảnh hưởng của rác thải nhựa (RTN) tới kinh tế biển (nên tập trung vào du lịch, ngư nghiệp trong ngữ cảnh PTBV kinh tế biển): Xác định các vấn đề khó khăn về hiện trạng, số liệu, nghiên cứu, các bên liên quan.
Phân đoạn III: Thách thức về luật phát và quản lý nên nêu thêm các mảng pháp lý cần thiết cho việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, sự ràng buộc các bên gây ô nhiễm và trách nhiệm.
Phân đoạn IV: Cam kết của Việt Nam với các chính sách của Thế Giới
Còn trong phần II, quan điểm, thì theo các nhà khoa học nên kết hợp quan điểm 2 và 3 vào thành một. Ví dụ: Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên bằng việc thúc đẩy giảm thiểu và tiến tới loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm thiểu tái sử dụng, và tái chế các sản phẩm nhựa khác; xây dựng cơ chế pháp lý và tài chính tạo động lực cho sự tham gia của các bên.
Do gợi ý nêu trên đã gộp quan điểm 2 và 3 vào làm một nên đề xuất thêm quan điểm 3 như sau: Nâng cao nhận thức và truyền thông rộng sâu cho tất cả các bên liên quan, xây dựng trách nhiệm công dân trong việc quản lý rác thải nhựa.
Còn tại mục giải pháp, các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều ý kiến như cần phải xây dựng các giải pháp theo các góc độ sau: Về kỹ thuật hoặc khoa học công nghê, về tài chính, về quản lý, về hệ thống chính sách và cơ chế thực hiện (thể chế), về nguồn nhân lực, về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, về hợp tác quốc tế.
Được biết, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu 100% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; hạn chế cơ bản việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển; giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại các cửa sông chính, các đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch.
Theo: VUSTA