Bảo đảm an ninh nguồn nước cho sự phát triển bền vững

Ngày 29/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo thường niên các Tổ chức xã hội năm 2020 với chủ đề “An ninh nước vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức

TS Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam nêu rõ: Nước là nguồn sống của mọi con người, là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội. Nước quyết định sự tồn vong của một quốc gia - dân tộc. Nguồn nước và nước sạch liên quan trực tiếp đến tất cả mọi người. Bảo đảm nguồn nước và nước sạch đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu, đồng thời cũng là vấn đề cấp thiết của nước ta.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đã và đang gánh chịu hậu quả vô cùng lớn của bão, lũ, lụt, sạt lở đất, nguồn nước Việt Nam trong tình trạng nhiều khu vực bị ô nhiễm nặng nề, lưu lượng không đều trong các năm... Bởi vậy, việc đánh giá thực trạng các chính sách, pháp luật về bảo đảm nguồn nước và việc cung cấp nước sạch phục vụ sản xuất, đời sống cũng như nêu rõ những thách thức, rào cản, bất cập, những kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước có vai trò quan trọng.

TS Tân cho biết thêm, theo báo cáo của Bộ Khoa học Công nghệ, tính đến tháng 12/2019 có tổng số 4.258 tổ chức, trong đó tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập có 2.293 đơn vị, hoạt động trong phạm vi cả nước và tại các địa phương. Trong số này có gần 1.000 tổ chức thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, trong đó có rất nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nước và môi trường.

Trong lĩnh vực nước và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các tổ chức xã hội cũng có nhiều đóng góp như tham gia góp ý kiến về Luật bảo vệ môi trường, Luật thuế môi trường, Luật thủy sản, Luật bảo vệ phát triển rừng, Luật lâm nghiệp, đề xuất xây dựng Luật kiểm soát ô nhiễm nước; đóng góp ý kiến đánh giá tác động của các chương trình, đề án, dự án liên quan đến nguồn nước và môi trường như đánh giá tác động thủy điện vừa và nhỏ được các cơ quan chức năng và xã hội ghi nhận.

Bà Lê Thị Việt Hoa - Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT)

Chia sẻ về các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, bà Lê Thị Việt Hoa - Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch TNN quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN; nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN; hoàn thiện việc xây dựng hệ thống giám sát TNN, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc khai thác sử dụng nước; nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với vùng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng: Việc cấp nước an toàn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu bệnh tật liên quan đến nước; nâng cao ý thức tiết kiệm của cộng đồng trong việc sử dụng nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngoài ra, cấp nước an toàn góp phần tiết kiệm nước, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc cấp nước an toàn còn gặp một số hạn chế như nước chưa được coi trọng là hàng hóa đặc biệt, hoạt động cấp nước nguy cơ mất an toàn cao do nguồn nước thiếu, nhiễm mặn, ô nhiễm. Mô hình quản lý cấp nước khu vực nông thôn chưa hợp lý. Chất lượng nước sạch nông thôn không đồng đều, tại một số trạm xử lý chưa thực sự đảm bảo chất lượng do công nghệ xử lý đơn giản và lạc hậu.

Quang cảnh buổi hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề: Nước với cuộc sống và sức khỏe con người; môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu; vai trò, đóng góp của các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội trong các hoạt động liên quan đến nước và phát triển bền vững ở Việt Nam; các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần vào phát triển bền vững ở Việt Nam.

HT

http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc-cho-su-phat-trien-ben-vung

Mọi chi tiết tư vấn vui lòng liên hệ:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHOẺ - HETEC

 Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799                     - Hotline: 0917 021 858

Email: hetecvietnam@gmail.com            Website: https://hetec.vn 

Tin khác

FACEBOOK


LIÊN HỆ


LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHỎE - HETEC

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;  Email: hetecvietnam@gmail.com; Website: https://hetec.vn 

Chịu trách nhiệm nội dung: Tiến sĩ Lê Hữu Thi - Viện trưởng 

LIÊN KẾT MẠNG XÃ HỘI
Social   Social   Social  
© 2019 hetec.vn. All Rights Reserved