Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn thế giới. Sự phát triển đột phá của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số đã tác động và làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực, từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc
Ngày 11/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Giải pháp đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hội của trí thức đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0”. TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam và TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội thảo.
Những giải pháp đổi mới nội dung hoạt động của hội
Theo ý kiến của ông Nguyễn Vi Khải – Viện VIDS cho rằng, hiện nay công tác hội đang gặp rất nhiều khó khăn dưới tác động của đổi mới cơ chế, chính sách đặc biệt là quá trình thực hiện tinh giản bộ máy hành chính, biên chế, ngân sách cấp cho các hội thành viên Liên hiệp Hội Việt Nam. Quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức, kinh phí hoạt động hàng năm của Liên hiệp Hội địa phương theo hướng hưởng một phần ngân sách sang mô hình tự chủ, tự hạch toán, nhận và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Đảng và Nhà nước giao đang được thực hiện quá nhanh tại một số địa phương, chưa có lộ trình và hướng dẫn cụ thể, còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách nảy sinh trong thực tiễn, chưa có hướng giải quyết dẫn đến khó khăn trong công tác hội và công tác vận động trí thức.
Ông Nguyễn Vi Khải – Viện VIDS
Chính vì thế theo tôi cần có một số giải pháp, đó là ưu tiên chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực; có trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để người dân và doanh nghiệp là các chủ thể quyết định tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về phát triển các doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thực hiện thiết kế, sán tạo và sản xuất tại Việt Nam; Cơ cấu lại toàn diện hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ công lập. Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Thành lập mạng học tập mở của người Việt Nam. Thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho người dân. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa số trong cộng đồng; Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện chuyển đổi số. Hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính phù hợp với hoạt động của chính quyền số, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp, ông Khải cho hay.
Ông Hoàng Văn Tuyển – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Phú Thọ
Còn đối với ý kiến của ông Hoàng Văn Tuyển – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Phú Thọ cho biết, cần tuyên truyền, phổ biến rõ bản chất, yêu cầu đặt ra trong thực thi nhiệm vụ dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0, từ đó làm tiền đề, động lực quan trọng để phát huy tài năng, tâm huyết, khát vọng cống hiến của trí thức khoa học sẵn sàng nắm bắt cơ hội, công nghệ 4.0 vào việc phát triển quản lý, sản phẩm mới, khởi nghiệp sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Đỗ Văn Dung – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Ninh Bình
Với ý kiến của ông Đỗ Văn Dung – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, cần phải bắt đầu từ chấn hưng giáo dục, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghệ lõi CPS, đồng thời xây dựng chiến lược với bước đi cụ thể cho đầu tư trọng điểm vào một số ngành công nghiệp còn tiềm năng và có lợi thế cạnh tranh, nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi về pháp luật để hỗ trợ cho sự ra đời những mô hình sản xuất, kinh doanh phá vỡ truyền thống có thể phát triển theo cấp số mũ. Việc cần làm ngay là sự đổi mới tư duy mạnh mẽ trong chính phủ và sự vào cuộc của giới trí thức.
Đổi mới phương thức hoạt động của hội
Để tạo ra và hoạt động hiệu quả trong môi trường khoa học công nghệ của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 là yếu tố tiên quyết sự thành công của hệ thống hội, tổ chức hội. Muốn thực hiện được sứ mạng đó, hệ thống hội phải có giải pháp đổi mới phương thức hoạt động; mỗi nội dung hoạt động phải được chuyền tải bởi một số hoặc nhiều phương thức, phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu tại hội thảo thì cho rằng, cần phải tiếp cận một số phương thức hoạt động sau đó là phương thức đề xuất, vận động chính sách; Phương thức xác định vấn đề; Phương thức giải quyết vấn đề; Phương thức nghiên cứu nền; Phương thức chuyển giao công nghệ; Phương thức cộng tác, phối hợp; Phương thức hỗ trợ, dẫn dắt; Phương thức huy động nguồn lực, thời gian; Phương thức đầu tư nguồn lực; Phương thức tổng hợp, cụ thể; Phương thức liên ngành, chuyên ngành; Phương thức tập thể, cá nhân; Phương thức lý thuyết, thực hành; Phương thức lý luận, thực tiễn..
Quang cảnh buổi hội thảo
Tuy nhiên theo các đại biểu, hiện nay nhà nước đang xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số đang đươc triển khai từng bước. Các hội đặt mục tiêu hoạt động trên cơ sở số hóa và Internet. Việc hàng đầu là nâng cao nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0 và coi trọng công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vậy chúng ta kiến nghị với Nhà nước những vấn đề về hàng lang pháp lý, về thể chế, chính sách – thực tế khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả… đây là những nội dung còn nhiều hạn chế và bất cập hiện nay. Tổ chức hội của trí thức đa dạng về ngành nghề và có tiềm năng là nơi có nhiều thuận lợi – thế mạnh trong tiến trình của cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng nhà nước cần có chính sách thỏa đáng thu hút vốn quý của lực lượng này thì cách mạng công nghiệp 4.0 mới thành hiện thực ở Việt Nam.
HT
http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/xay-dung-doi-ngu-tri-thuc-dap-ung-yeu-cau-cach-mang-cong-nghiep-40