Hướng đi cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU

Châu Âu luôn là thị trường đang rất được chú trọng cho các ngành sản xuất xuất khẩu trong nước, đặc biệt trong đó có ngành xuất khẩu nông sản với nhiều điểm sáng trong những năm gần đây.

Với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, mức thu nhập GDP mỗi người dân trên 35.000/năm, nên EU được đánh giá là thị trường vô cùng rộng mở, có sức mua rất lớn, là thị trường tiềm năng và là hướng đi quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung và ngành nông sản nói riêng.

Về tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU hiện nay chiếm khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng 15% tổng giá trị nông sản Việt Nam, và đang là thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu nông sản Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ). Ngược lại, mặc dù tổng sản lượng hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu sang tại thị trường này ngày càng tăng, nhưng vẫn chỉ chiếm 4% thị trường nhập khẩu nông sản của EU. Hiện tại EU nhập khẩu mặt hàng nông sản mỗi năm khoảng 160 tỷ USD/năm, thì đây chính là thị trường tiềm năng cho hàng Việt Nam hướng đến. Với thế mạnh là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, cũng là đất nước được biết đến nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi bật, hàng Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm những mặt hàng đang là thế mạnh đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU, từ đó là nền tảng để tăng tổng sản lượng hàng nông sản, và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.

Đặc biệt sau khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực và triển khai ngày càng sâu rộng, thì đây là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường EU. Trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao (10 - 20%). Từ ngày 1/8/2020, EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông sản của các nước ở Châu Á (vì có nhiều mặt hàng tương đồng), đặt biệt với hai thị trường nông sản lớn cuả Thái Lan và Trung Quốc, do chưa có hiệp định thương mại tự do với EU. EVFTA vừa là cơ hội vừa là thách thức rất lớn cho lĩnh vực xuất khẩu nông sản Việt Nam, đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp. Để tận dụng hiệu quả của EVFTA mang lại, hàng nông sản xuất khẩu nhất thiết phải đổi mới công nghệ kỹ thuật, đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt của EU. Đồng thời tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, nhanh chóng tăng thị phần trong thị trường nhập khẩu nông sản của EU, trước khi EU triển khai ký kết Khu vực mậu dịch tự do - FTA với các thị trường lớn và sức cạnh tranh khốc liệt hơn.

1. Những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu nông sản sang thị trường EU

Nông sản trong nước phát triển là cơ sở cho việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước, trong đó có EU là thị trường tiềm năng và hướng phát triển của sản xuất nông sản.

Mặc dù kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, nhưng ngành nông nghiệp vẫn luôn là thế mạnh của nước ta và là cơ sở để phát triển những ngành công nghiệp chế biến, nên phát triển ngành nông nghiệp luôn nhận được nhiều sự quan tâm của các ban, bộ, ngành và doanh nghiệp. Vượt qua những khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh covid-19 mang lại, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều điểm khởi sắc và phát triển. Năm 2021 sản xuất nông nghiệp có mức tăng trưởng tương đối tốt, tháng 5 giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,75 tỷ USD, lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13,0%. Sản xuất nông sản ở nước ta ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu ngành đó là tăng dần tỷ trọng nông sản chế biến, áp dụng rộng rãi khoa học công nghệ vào trồng trọt sản xuất, để ngày càng tăng chất lượng hàng hóa và giá trị hàng nông sản. Nhờ chú trọng đầu tư chế biến sau thu hoạch, giá trị sản phẩm đã được nâng cao, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5-7%/năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm. Hiện nay, cả nước đã hình thành và tương đối phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô lớn và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ. Tỷ lệ nông sản chế biến xuất khẩu chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản; Về khoa học công nghệ, hiện nay nhiều khâu sản xuất nông nghiệp có mức độ cơ giới hóa cao như ở khâu làm đất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng đạt 100%, thu hoạch lúa đạt trên 90%; Khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật cây hằng năm đạt trên 70%. Do được chú trọng theo hướng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng sản xuất nông sản và sản phẩm đã chế biến, nên các mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng tương đối tốt như là: rau quả đạt 15,1%/năm, điều nhân đạt 5%/năm, gạo đạt 8,9%/năm, cao su đạt 11,3%/năm.

Các tín hiệu tích cực của hàng nông sản xuất khẩu ở thị trường EU

Xuất khẩu cà phê sang EU cũng đang khởi sắc trở lại, trong đó, trong 5 tháng đầu năm, bên cạnh thị trường Mỹ thì Đức và Italia là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14% và 7,6%. EU cũng là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ hạt điều của Việt Nam, đạt 33.885 tấn, tương đương 173,17 triệu USD, chiếm 21% trong tổng lượng và chiếm 18,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước. Về mặt hàng rau quả, ngoài các loại trái cây đã được xuất khẩu nhiều năm, trong tháng 6 năm 2021 vừa qua lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu vào Cộng Hòa Séc, Pháp và dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều nước trong EU. Đây là lô hàng vải thiều đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc Itrace247 được nhập khẩu chính ngạch, người tiêu dùng ở Châu Âu có thể ngay lập tức tiếp cận toàn bộ lịch trình chi tiết quá trình chăm sóc, thu hoạch, đóng gói theo tiêu chuẩn Global GAP. Việc này có ý nghĩa “khai thông” vô cùng quan trọng cho xuất khẩu trái vải nói riêng và là hướng đi chung việc phát triển xuất khẩu nông sản của tất cả mặt hàng Việt Nam.

2. Hướng đi chính cho nông sản Việt Nam

Phát triển hàng nông sản Việt Nam chú trọng gắn liền với tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực theo tiêu chuẩn khắt khe của EU.

Để nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường EU, được đánh giá là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thì buộc nông sản Việt Nam phải bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, áp dụng phương thức trồng trọt theo các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP. Hiện tại, nông sản Việt Nam vẫn sản xuất theo hướng manh mún nhỏ lẻ, người nông dân chưa am hiểu sâu về các kỹ thuật tiến bộ để nâng cao nâng suất và chất lượng sản phẩm, cũng như còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với công nghệ trong việc xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chính vì vậy, người nông dân cần phải liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn hoặc tập hợp thành mô hình hợp tác xã để dễ dàng áp dụng kỹ thuật công nghệ vào qúa trình trồng trọt và thu hoạch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản cũng cần chú trọng đến việc xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch, đặc biệt là chế biến sâu. Do để sản phẩm đưa ra đạt tiêu chuẩn VietGap, Global GAP thì tỷ lệ rau quả không đạt yêu cầu về mẫu mã, chất lượng để xuất khẩu sẽ tăng lên. Vì vậy, chế biến sâu sẽ giúp tận dụng được các sản phẩm này vào làm nguyên liệu cho chế biến. Nhận thức sâu sắc trong hướng đi phát triển nền nông nghiệp trong nước cho xuất khẩu và vị trí của cả ngành nông nghiệp trên toàn cầu, do đó cần phải mở rộng và đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa khâu chế biến các loại sản phẩm nông sản để nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa. Điều này đã được nhấn mạnh trong nhiều chính sách của Chính phủ những năm gần đây, đặc biệt tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/02/2019, Chính phủ đã đặt mục tiêu “nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics nông sản toàn cầu”.

Đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc vào quá trình trồng trọt, sản xuất và chế biến nông sản.

Để mở rộng thị trường nông sản Việt Nam sang các nước khác trên thế giới, đặc biệt là thị trường EU, đòi hỏi phải có rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất chế biến, bắt buộc hàng hóa Việt Nam phải đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu trong các giai đoạn tạo ra sản phẩm. Ở châu Âu, từ năm 2005, EU xác định truy xuất nguồn gốc là quy định bắt buộc cho các nước thành viên. Điều đó cho thấy các thị trường phát triển rất chú trọng việc truy xuất nguồn gốc, đặc biệt trong ngành thực phẩm từ nhiều năm trước. Trong bối cảnh khách hàng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm, hàng hóa và đặc biệt là nông sản, thì truy xuất nguồn gốc là được xem như một giải pháp ưu việt, và một xu thế tất yếu cho hàng hóa Việt Nam. Truy xuất nguồn gốc phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Xu hướng hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi. Với giải pháp này, doanh nghiệp sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm.

Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản là cơ sở nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hơn nữa trong thị trường quốc tế vốn đòi hỏi khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, được xem là giấy thông hành cho bước tiến xa trong hội nhập, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế./.

Phạm Kim Oanh

Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại - VIOIT

Mọi chi tiết tư vấn vui lòng liên hệ:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHOẺ - HETEC

 Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799                     - Hotline: 0917 021 858

Email: hetecvietnam@gmail.com            Website: https://hetec.vn 

Tin khác

FACEBOOK


LIÊN HỆ


LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHỎE - HETEC

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;  Email: hetecvietnam@gmail.com; Website: https://hetec.vn 

Chịu trách nhiệm nội dung: Tiến sĩ Lê Hữu Thi - Viện trưởng 

LIÊN KẾT MẠNG XÃ HỘI
Social   Social   Social  
© 2019 hetec.vn. All Rights Reserved