Công nghệ Việt bảo quản vải: Khó ứng dụng vì sao?

Công nghệ xử lý không quá phức tạp; giá thành tương đối; được công nhận kết quả thử nghiệm ban đầu..., chắc chắn doanh nghiệp Việt sẽ chọn.

Sau khi Đất Việt đăng tải bài viết "Công nghệ giữ vải tươi cả tháng của nhà khoa học Việt", lãnh đạo Sở NN-PT-NT Bắc Giang bày tỏ mong muốn được tìm hiểu về công nghệ này.

Ảnh minh họa

Trao đổi thêm, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang (Sở NN-PT-NT) cho biết, ngay khi có thông tin về việc một doanh nghiệp Hà Lan đầu tư gần 1 tỷ để thử nghiệm công nghệ đưa vải thiều tươi Lục Ngạn sang châu Âu bằng container đường biển trong 45 ngày mà vẫn giữ được độ tươi, ngon tự nhiên đơn vị này đã rất quan tâm, muốn được tìm hiểu thêm.

Theo ông Tùng, để người nông dân trồng vải có lợi cũng như để quả vải Bắc Giang có nhiều cơ hội được xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, thì công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch là khâu rất quan trọng.

Với mong muốn này, Sở NN-PT-NT Bắc Giang luôn chủ động tìm hiểu nhiều loại công nghệ chế biến, bảo quản vải khác nhau qua đó tư vấn, kết nối giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có được công nghệ bảo quản hiệu quả hơn.

"Chúng tôi tìm hiểu rất nhiều loại công nghệ bảo quản quả vải khác nhau nhưng chưa được biết tới công nghệ nano của các nhà khoa học Việt.

Nếu đúng là có công nghệ này và đã được thí điểm ứng dụng trên thực tế thì quá tốt. Chúng tôi rất mong muốn tìm hiểu công nghệ này", ông Tùng chia sẻ.

Vị lãnh đạo Sở cũng cho biết thêm, cái khó trong quá trình triển khai các công nghệ bảo quản là chi phí và thời gian bảo quản, do đó, nếu đây là một công nghệ nội, lại có chi phí thấp, kỹ thuật đơn giản thì không có lý do gì doanh nghiệp không quan tâm.

"Lâu nay các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả chủ yếu xuất khẩu bằng đường hàng không, chi phí cao, nếu xuất khẩu bằng đường biển thì chi phí thấp hơn rất nhiều, doanh nghiệp và cả người dân đều có lợi", ông Tùng cho biết.

Cũng chia sẻ chưa biết tới công nghệ nano trong bảo quan rau quả, song, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký, Hiệp hội rau quả Việt Nam bày tỏ sự quan tâm tới công nghệ này.


Ông Nguyên cho biết, tiềm năng nông sản của Việt Nam rất lớn, công nghệ chế biến, bảo quản rau quả sau thu hoạch có vai trò rất quan trọng trong chiến lược sản xuất, xuất khẩu rau, quả của các doanh nghiệp làm nông nghiệp.

Nhất là với thị trường xuất khẩu hiện nay, nông sản Việt chủ yếu xuất thô, vận chuyển qua đường hàng không, chi phí lớn, doanh nghiệp không chịu được.

Chính vì điều này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mới lựa chọn thị trường Trung Quốc vì những yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng, an toàn vệ sinh cũng như công nghệ bảo quản đơn giản.

Ông Nguyên cho biết thêm, công nghệ bảo quản rau, quả của Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ hai con đường: Một là trong nước sản xuất ra vật liệu và hai là do đối tác nhập khẩu cung cấp theo đơn đặt hàng.

Ông lấy ví dụ ở thời điểm các doanh nghiệp trong nước còn xuất khẩu thanh long, sầu riêng... cho thị trường Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp thực hiện theo các yêu cầu của phía đối tác, thu hái quả, rồi nhúng qua một loại hoạt chất đã được các thương lái Trung Quốc chuẩn bị sẵn, mang tới. Thanh long phải nhúng qua loại hoạt chất này mới được thương lái thu mua. Chính vì cách làm đơn giản, hóa chất rẻ tiền, nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ham dễ, bỏ khó, lựa chọn thị trường Trung Quốc.

"Nếu có được công nghệ bảo quản tốt, rau, quả xuất được sang thị trường các nước châu Âu bằng đường biển sẽ giảm chi phí rất nhiều.

Chi phí vận chuyển bằng đường biển hiện nay đang có mức cước vận chuyển thấp hơn vận chuyển bằng đường hàng không từ 6-10 lần.

Do đó, nếu có được công nghệ bảo quản tốt, chi phí thấp, ứng dụng thực tế không quá phức tạp sẽ giúp sức cho các doanh nghiệp rất nhiều trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu đi các nước, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc", ông Nguyên nói.

Vì sao khó ứng dụng?

Nói về việc công nghệ nano được các nhà sáng chế đánh giá là an toàn, hiệu quả, kinh tế nhưng lại chưa được ứng dụng nhiều trên thực tế, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng muốn đưa được công nghệ vào thực tế phải trải qua một giai đoạn "thử nghiệm lâm sàng".

Lấy ví dụ từ việc doanh nghiệp Hà Lan sẵn sàng bỏ ra gần 1 tỷ để ứng dụng công nghệ bảo quả quả vải vận chuyển bằng container lạnh qua đường biển sang Hà Lan chính là một bước thử nghiệm lâm sàng, cho kết quả thực tế, hiệu quả cao.

Khi có được kết quả thử nghiệm và được kiểm chứng bằng thực tế chắc chắn công nghệ đó sẽ được nhiều người biết đến và nhiều doanh nghiệp tin dùng.

"Vấn đề là ai có thể sẵn sàng bỏ ra số tiền hàng tỷ đồng đó để thử nghiệm công nghệ trên thực tế. Trường hợp như của doanh nghiệp Hà Lan, nếu thất bại họ sẽ bị mất nguyên số tiền gần 1 tỷ đồng đó cộng thêm chi phí thiệt hại từ 6 tấn vải được vận chuyển có thể sẽ phải đổ bỏ do không được bảo quản tốt.

Với công nghệ nano, tôi từng nghe nhiều tới công nghệ này tuy nhiên, thực tế triển khai gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp không mặn mà.

Nguyên nhân cũng là do công nghệ chưa được ứng dụng phổ biến trên thực tế, doanh nghiệp chưa đủ mạnh dạn, tiềm lực bỏ chi phí thực hiện thử nghiệm lâm sàng, vì còn e ngại rủi ro", ông Nguyên nói.

Một vấn đề nữa cũng được ông đề cập tới đó là công nghệ nano này có ứng dụng được với tất cả các loại rau, quả và liệu có được tất cả các thị trường thế giới chấp nhận hay không? Vấn đề này cũng cần phải có đánh giá thực tế.


Nhắc lại bài học doanh nghiệp xuất khẩu hoa ở Đà Lạt phải đổ bỏ cả container do sử dụng hoạt chất không được phép chính là một minh chứng.

Từ bài học thực tế trên, ông Nguyên cho biết mỗi thị trường có một yêu cầu kỹ thuật khác nhau. Ví dụ như thị trường Mỹ thì yêu cầu rau, quả phải qua chiếu xạ mới vào được thị trường nước này, tuy nhiên, nhiều thị trường khác lại không chấp nhận phương pháp chiếu xạ do lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Do đó, công nghệ nano này cũng cần phải được nghiên cứu rất kỹ với đặc tính của từng loại rau, quả cũng như yêu cầu riêng của từng loại thị trường khi xuất khẩu đi để tránh rủi ro cho cả người sản xuất cũng như phía doanh nghiệp xuất khẩu.

"Nếu công nghệ xử lý không quá phức tạp; giá thành tương đối, doanh nghiệp có thể chấp nhận được và cuối cùng là được các cơ quan quản lý nhà nước cấp chứng nhận thì chắc chắn công nghệ nano sẽ được người dùng Việt Nam lựa chọn", ông Nguyên góp ý.

Chia sẻ thêm về công nghệ nano bảo quản vải tươi, ông Lê Hữu Thi - Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khỏe cho biết, Việt Nam khẳng định, công nghệ mang lại hiệu quả cao, giữ vải được tươi lâu và chi phí thấp.

Ông cho biết, để giữ được vải tươi điều quan trọng nhất là có được vật liệu giúp bảo quản hoa quả tươi lâu mà không ảnh hưởng tới chất lượng tự nhiên của quả vải.

Về vật liệu nano, hiện nay Viện đã chủ động sản xuất và đã bán thương mại ra thị trường cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp đều mang lại hiệu quả cao, được các đơn vị tin dùng.

Về công nghệ bảo quản hiện nay Viện cũng đang thực hiện thí điểm thiết bị mới nhằm bảo đảm hiệu quả cho cả quy trình.

Nhắc lại việc bảo quản được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 là trước khi thu hoạch và giai đoạn 2 là sau khi kết thúc quá trình thu hoạch, ông Thi cho biết, ngoài vật liệu bảo quản thì cần phải có thiết bị sử dụng trong kho lạnh.

"Việc ứng dụng thiết bị trong công nghệ bảo quản cũng rất đơn giản nhưng cần được thí điểm trên từng loại quả, ở từng vùng, từng địa phương và từng thiết kế kho lạnh để có điều chỉnh cho phù hợp.

Loại thiết bị này sẽ được gắn trong kho bảo quản lạnh, do đó, tùy diện tích của kho lạnh, thiết bị sẽ được điều chế công suất cho phù hợp.

Thiết bị này không kén kho lạnh, không cần phải thiết kế kho lạnh mới, có thể tận dụng các kho lạnh cũ của doanh nghiệp hoặc có thể sử dụng ngay container lạnh để ứng dụng công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí", ông Thi nói rõ thêm.

Ngoài ra, ông Thi cũng cho biết, để tăng tính ứng dụng, cũng như thuận lợi trong bảo quản, đơn vị cũng có thiết kế các dạng công nghệ đóng gói, có thể bảo quản được hoa quả ngay bên ngoài kho lạnh khi: hoa quả chưa kịp được đưa tới kho lạnh; hoa quả vận chuyển trên đường; hoặc khi được vận chuyển từ kho lạnh ra ngoài. Với công nghệ này, hoa quả vừa vẫn được bảo đảm tươi ngon ngay cả khi đang vận chuyển trên đường hay khi không có kho lạnh.

Vấn đề khi thực hiện triển khai ứng dụng công nghệ nano trong bảo quản vải, ông Thi mong muốn được thực hiện thí điểm với một đề án cụ thể, sau khi có những đánh giá hiệu quả thực tế sẽ áp dụng triển khai trên diện rộng.

Theo: Lam Lam/Đất Việt

https://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/cong-nghe/cong-nghe-viet-bao-quan-vai-kho-ung-dung-vi-sao-3437144/

Mọi chi tiết tư vấn vui lòng liên hệ:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHOẺ - HETEC

 Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799                     - Hotline: 0917 021 858

Email: hetecvietnam@gmail.com            Website: https://hetec.vn 

Tin khác

FACEBOOK


LIÊN HỆ


LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHỎE - HETEC

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;  Email: hetecvietnam@gmail.com; Website: https://hetec.vn 

Chịu trách nhiệm nội dung: Tiến sĩ Lê Hữu Thi - Viện trưởng 

LIÊN KẾT MẠNG XÃ HỘI
Social   Social   Social  
© 2019 hetec.vn. All Rights Reserved