Dự án là chuỗi các hoạt động bao gồm: nghiên cứu khoa học, đánh giá về thực trạng nước sạch tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, tuyên truyền tập huấn, đào tạo về nước sạch, nâng cao nhận thức về vai trò của nước sạch sử dụng tại các cơ sở giáo dục, tổ chức triển khai hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, huy động nguồn vốn xã hội để xúc tiến lắp đặt các điểm cung cấp nước uống tại vòi đạt tiêu chuẩn tại các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp.
Ra mắt Ban Quản lý Dự án Nước sạch học đường Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Sức Khoẻ Cộng Đồng, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Linh- Phó Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khoẻ kiêm Trưởng ban Quản lý dự án Nước sạch học đường Việt Nam cho biết: “Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, hiện nay nguồn nước sử dụng để ăn uống ở các trường học chủ yếu đang sử dụng các nguồn nước uống đóng chai, nước máy, nước giếng khoan, nước được lọc qua máy lọc nước… nguồn nước này được lấy mẫu và kiểm tra y tế định kỳ theo quy định. Tuy nhiên để nguồn nước được sử dụng luôn đảm bảo chất lượng cần phải có một quy trình để đảm bảo chất lượng nước sạch trong học đường”.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Linh - Trưởng ban Quản lý dự án Nước sạch học đường Việt Nam giới thiệu về dự án
“Môi trường học đường là môi trường tập trung đông người trong đó bao gồm chủ yếu là các học sinh, sinh viên và cán bộ giáo viên, giảng viên. Sẽ cần một số lượng nước sạch đạt chuẩn lớn sử dụng trong ăn uống, nếu sử dụng những phương pháp xử lý truyền thống như đun sôi để nguội thì rất khó đáp ứng yêu cầu, mà chất lượng nguồn nước này chưa chắc đã đảm bảo an toàn, vì vậy các cơ sở giáo dục thường có xu hướng sử dụng nước uống đóng bình, đóng chai hoặc lắp đặt các thiết bị lọc nước theo công nghệ tiên tiến để tạo ra nguồn nước uống tinh khiết, vô trùng và đảm bảo quy chuẩn nước uống tại vòi của Bộ Y tế. Tuy nhiên để quá trình vận hành các thiết bị và bảo quản nguồn nước để nguồn nước luôn đạt chuẩn ở mọi thời điểm thì cần phải tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật và khoa học, chính vì vậy Dự án Nước Sạch học đường Việt Nam ra đời sẽ góp phần đánh giá đúng thực trạng nguồn nước đang được sử dụng tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, tuyên truyền về vai trò của nước sạch và phương pháp bảo quản nguồn nước sạch, tư vấn và triển khai các giải pháp để cung cấp nước sạch tại vòi đạt chuẩn cho các cơ sở giáo dục và đào tạo”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Linh cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Linh (Bên trái) đại diện Viện Công nghệ và Sức khoẻ trao quyết định giao đề tài nghiên cứu cho Tiến sĩ Trịnh Ngọc Tuấn.
Cùng ngày Viện Công nghệ và Sức khoẻ đã công bố quyết định 09/QĐ/VCNSK ngày 25/01/2021 của Viện Công nghệ và Sức khoẻ về việc phê duyệt nội dung nghiên cứu khoa học cho đề tài “đánh giá thực trạng nước sạch sử dụng trong ăn uống tại các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, Tiến sĩ Trịnh Ngọc Tuấn - Thành viên Ban Quản lý dự án Nước sạch học đường Việt Nam được giao làm chủ nhiệm đề tài.
Các đại biểu, khách mời, chuyên gia, nhà khoa học tham dự lễ ra mắt Ban Quản lý dự án Nước sạch học đường Việt Nam
Với mục tiêu đó, Dự án Nước sạch học đường Việt Nam đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao nhận thức về nước sạch, cải thiện chất lượng nguồn nước tại các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp trên cả nước, từ đó góp phần chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.
Theo Nhât Ánh/Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng
https://suckhoecongdongonline.vn/tien-si-nguyen-tung-linh-can-phai-co-mot-quy-trinh-de-dam-bao-chat-luong-nuoc-sach-hoc-duong-d203291.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo