Đừng đảo ngược trật tự của cuộc sống.
Không phải vì có hy vọng nên mới kiên trì, mà là vì kiên trì nên mới có hy vọng.
Không phải vì có cơ hội nên mới tranh thủ, mà là vì tranh thủ nên mới có cơ hội.
Không phải vì có hiểu biết mới đi làm, mà là vì đi làm thì mới có hiểu biết.
Không phải vì trưởng thành nên mới đi vươn vai gánh vác, mà vì sẵn sàng gánh vác mới có thể trưởng thành.
Không phải vì có rồi nên mới cho đi, mà là vì cho đi nên mới đắc được.
Không phải vì đột phá nên mới có thử thách, mà là vì có thử thách nên mới đột phá.
Không phải vì thành công nên mới trưởng thành, mà là vì trưởng thành nên mới thành công.
Không phải vì có năng lực lãnh đạo nên mới biết cách phối hợp, mà vì biết phối hợp mới có năng lực lãnh đạo.
Không phải vì có thu hoạch nên mới cảm ơn, mà là vì biết ơn nên mới có thể thu hoạch.
Không phải vì có tiền mới có thể đi học, mà là vì học tập nên mới có thể kiếm được tiền.
Không phải vì có thị trường mới đi khai thác, mà vì đi khai thác mới có thị trường.
Không phải có điều kiện mới có thể thành công, mà là vì muốn thành công nên mới sáng tạo ra điều kiện.
Thời thơ ấu thì nên làm gì?
Trẻ con nên được đi chơi, nên tiếp xúc với thiên nhiên để chúng có thể nhận thức thế giới. Đó cũng là cách để rèn luyện ý chí và thể chất, đặt nền tảng cho sức khỏe, và tạo hứng thú cho việc học tập trong tương lai. Nhưng những đứa trẻ của chúng ta đang làm gì trong suốt thời thơ ấu?
Vào những năm tôi còn đi học, khi bước lên cấp 2 tôi mới biết học thêm là gì. Còn trẻ em ngày nay, chúng đã bắt đầu học ngoại ngữ từ mẫu giáo. Tiếng Việt chúng chưa nói thành thạo thì đã bắt đầu được cha mẹ cho đi học ngoại ngữ rồi. Họ còn tự hào vì con họ chưa biết nói tiếng Việt đã nói được tiếng Anh. Nhồi nhét kiến thức cho những đứa trẻ mới lên 3, cơ hội vui chơi tập thể thao của trẻ bị thay thế. Có cả những trẻ nhỏ phải đeo kính trước khi đến trường.
Lớn lên một chút, chúng còn phải học theo kiểu “mỗi môn học hai người dạy”: Học cô trên trường để không bị vùi dập, học cô khác bên ngoài cho chắc thêm kiến thức.
Ai cũng biết rằng điều này không đúng nhưng lại không có ai dám cải chính. Bởi vì cạnh tranh xã hội biến dị tất nhiên sẽ đem lại những sự thích nghi biến dị. Ai cũng cảm thấy nguy cơ của nó, nhưng không thể tự thoát ra.
Bạn trẻ ngày nay đang làm gì?
Thời niên thiếu vốn là thời kỳ tốt nhất để học tập, nhưng giới trẻ ngày nay đang đắm chìm vào trò chơi điện thoại và chơi game. Những trò chơi truyền thống đã biến mất, còn trò chơi hiện đại lại là thứ phá hoại ý chí, hủy hoại tuổi xuân và thể chất của giới trẻ. Ngoài ra còn có một khẩu hiệu khó hiểu gọi là: “Tuổi trẻ của tôi, tôi làm chủ“ cũng mê hoặc con người.
Rất nhiều nam thanh nữ tú trong các trường đại học hàng đầu đều đam mê chơi trò chơi trực tuyến. Trong bốn năm đại học, ngay cả nhân viên thư viện là ai họ cũng không biết rõ. Mỗi đêm có một nhóm người lên mạng chơi điện tử đến 2 giờ đêm, đến mức mặt trời lên cao mà vẫn không thể dậy được. Còn có đọc truyện trực tuyến, nổi cộm là những truyện tình cảm nam nữ đồi trụy, thậm chí là đồng tính luyến ái… đều đang đầu độc giới trẻ. Điều đáng sợ là trường hợp này đang xảy ra tràn lan trong các trường đại học ngày nay.
Những người trẻ tuổi mới dấn thân vào xã hội, họ phải học cách mở rộng quan hệ và thích nghi với những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh. Đua nhau vào những nơi ăn nhậu, hễ ăn nhậu là uống say mềm. Tuổi trẻ vốn là những năm tháng phát triển trí tuệ và thể chất, nhưng kiểu sinh hoạt lãng phí sinh mệnh này đang hủy hoại cuộc đời.
Trung niên có cần quan tâm đến sức khỏe?
Người trung niên, trên thì một lòng hiếu thảo với cha mẹ già, dưới thì nuôi dưỡng con cái, có gia đình để lo toan, có người còn phải trả một khoản lãi hàng tháng cho việc mua nhà. Làm việc chăm chỉ chưa bao giờ là bản chất của con người, người trung niên ngoài việc vắt sức kiếm tiền ra, thì còn có thể mong đợi gì hơn nữa?
Chỉ đến khi về già họ mới hiểu rằng cơ thể của mình đang suy thoái, và đến lúc này họ mới dốc sức tập thể thao! Trên quảng trường toàn là các ông lão bà lão, chỉ có họ mới biết coi trọng sức khỏe.
Con người hiện nay từ nhỏ đến lớn, đều đang đảo lộn cuộc sống. Đây không chỉ là nỗi buồn của mỗi thành viên, mà còn là nỗi buồn của toàn xã hội này. Đây là một thế giới nơi người ta không thể sống một cuộc sống bình thường.
Đôi điều nhắn nhủ
Đừng đợi tới khi mất bạn bè, thì mới hiểu thế nào là cô đơn.
Đừng đợi tới khi mất người thân, thì mới biết thế nào là ấm áp.
Đừng đợi tới khi mất người yêu, thì mới biết vì sao mình luyến tiếc.
Đừng đợi tới khi vuột mất thời gian, thì mới hiểu “giá mà…” để ta không hối tiếc.
Đừng đợi tới khi mất đi sức khỏe, thì mới biết chăm sóc bản thân.
Đừng đợi tới khi mất lòng tin, thì mới lo giữ gìn chữ Tín.
Cần nhớ rằng: không phải tất cả mọi thứ đều trở lại một lần nữa, để ta có thể chờ đợi ngày mai, chờ đợi tương lai. Đợi đến khi năm tháng không buông tha cho ai, chờ đến khi thân xác hao mòn, đến khi lực bất tòng tâm… thì mới phát hiện rằng tất cả chỉ còn lại tiếng thở dài ngao ngán.
Trong thế giới này, điều đau khổ nhất chính là mất mát, việc an tâm nhất chính là trân quý.
Loại tâm thái lười biếng, chán nản, chê bai thứ này thứ nọ, luôn không hài lòng với những gì mình đang có… chính là vì không biết trân quý. Hãy sống mỗi ngày của bạn như thể ngày mai tất cả sẽ không còn.
Hãy nâng niu những gì bạn đang có: trân trọng hạnh phúc, coi trọng tình cảm, tri ân những gì cuộc sống ban cho, yêu thương bản thân, yêu thương mọi người, gìn giữ từng khoảnh khắc mà ta đang sống. Bởi vì, nếu không coi trọng điều gì thì sẽ mất đi điều đó. Nếu chúng ta không biết trân quý chính mình và người khác, thì ai sẽ trân quý chúng ta?
Theo: ĐKN/ Secretchina