Nói không sử dụng với amiang trắng

Theo lộ trình từ năm 2023 sẽ chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng (hay còn gọi là Fibro ximăng) do lo ngại amiang trắng độc hại và là tác nhân gây ung thư đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế cảnh báo rất nhiều lần. Vusta.vn đã có cuộc trao đổi với GS.TS Lên Vân Trình - Chủ tịch Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động Việt Nam về vấn đề này.

Tấm lớp amiang có thể gây ảnh hưởng sức khỏe con người (Ảnh internet)

Ảnh hưởng của amiang trắng đến sức khỏe

Trao đổi với Vusta.vn, GS Trình cho biết, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi amiang vào phổi sẽ gây ra các triệu chứng viêm, các khối u và là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về phổi, nguy hiểm hơn là các bệnh mãn tính như ung thư.

Tại Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào do amiang trắng gây ra. Vậy, tại sao lại vận động cấm amiang trắng? Trong khi các tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người: Ô nhiễm không khí, thuốc lá, thuốc bảo vệ thực vật lại không được đề cập đến.

GS Trình cho biết thêm, như ở Anh, việc sử dụng amiang đã bị cấm hoàn toàn vào năm 1999, nhưng cho tới 10 năm sau, mỗi năm có hơn 2.600 người có chẩn đoán mắc bệnh này. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán ở những người trong độ tuổi 60-80 và nam giới bị bệnh nhiều hơn phụ nữ.

Amiang xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiang phát tán trog môi trường. Các công việc phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất như xé bao, nghiền, trộn, khoan… hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiang, sử dụng các vật liệu amiang để làm đường, đổ làm móng nhà…

Vấn đề sử dụng amiang trắng tại Việt Nam

GS Trình cho biết, amiang được sử dụng ở Việt Nam từ những năm 60, chủ yếu trong sản xuất tấm lợp chiếm tỷ lệ trên 90%. Số còn lại được sử dụng để sản xuất các loại má phanh, vật liệu cách nhiệt… Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu khoảng 20.000 tấn amiang chrysotile, sản xuất khoảng 30 triệu m2 tấm lợp/năm.

Khoảng 15% amiang nhập khẩu được sử dụng trong công nghiệp phân lân nung chảy, sản xuất má phanh, trước đây có đóng tàu, sản xuất nồi hơi.. nhưng hiện nay đã dừng.

Cũng theo GS Trình, thực trạng những nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cho thấy những trường hợp ung thư trung biểu mô tiền sử không hoặc ít tiếp xúc với amiang. Bởi vì, việc tìm hiểu tiền sử tiếp xúc với amiang là cực kỳ khó khăn do có hàng nghìn tình huống có thể tiếp xúc, nên cần phải có chuyên môn sâu. Trong khi đó thời gian ủ bệnh ung thư trung biểu mô kéo dài từ 20-50 năm, chưa kể lý do sai số.

Việc cho đến nay ít phát hiện được bệnh bụi phổi amiang, theo GS Trình có thể do những nguyên nhân sau: Giám sát sức khỏe cho người lao động chưa liên tục. Người lao động khi chuyển công việc không được theo dõi về tiền sử tiếp xúc với amiang; Không có các trung tâm theo dõi người lao động tiếp xúc với amiang nên không thể theo dõi được lịch sử tiếp xúc; Phần lớn các cơ sở sản xuất tấm lợp có tuổi đời trẻ, trong thời gian ủ bệnh của bệnh amiang lại từ 20 năm trở lên, người lao động tại các cơ sở sản xuất nhỏ chủ yếu là lao động thời vụ nên ít có điều kiện kiểm tra sức khỏe; Kinh nghiệm chẩn đoán, phát hiện bệnh amiang còn ít, nguồn lực kém, trong khi bệnh amiang khá phức tạp, không dễ phát hiện; Các nghiên cứu dịch tễ học của Việt Nam về vấn đề này còn chưa sâu; Các doanh nghiệp không muốn cho người lao động khám sức khỏe sâu. Tổ chức khám sức khỏe cho cộng đồng có tiếp xúc với amiang rất tốn kém..

Hiện nay thế giới đã có sự giám định nhanh cho việc chẩn đoán, xác định ung thư trung biểu mô. Vì thế, việc cần làm là chúng ta phải có một đơn vị thu nhập hồ sơ những người có tiền sử tiếp xúc với amiang để theo dõi và điều trị kịp thời, GS Trình cho biết.

Kiến nghị sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam

Với những lý do trên, để lộ trình cấm sử dụng amiang ở Việt Nam khả thi như đề nghị của Thủ tướng và sự chuẩn bị của Bộ Xây dựng, theo GS Trình cần có những hành động sau:

- Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Cần có lộ trình ngừng sử dụng amiang ở Việt Nam, càng sớm càng tốt; Có chính sách ưu đãi về thuế trong lộ trình để nhập các nguyên liệu sản xuất tấm lợp không amiang và giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp không amiang cho đến khi cấm hoàn toàn; Nâng thuế nhập khẩu amiang và các sản phẩm chứa amiang; Tăng cường công tác tuyên truyền để cộng đồng nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về amiang, các biện pháp phòng ngừa các bệnh liên quan đến amiang.

- Đối với Bộ Y tế và các cơ quan khoa học công nghệ: Cần thành lập Trung tâm nguồn dữ liệu amiang để điều tra lập hồ sơ những người có tiếp xúc với amiang để theo dõi và điều trị kịp thời cho những người có nguy cơ cao; Có chính sách bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu có chưa amiang phải lập hồ sơ theo dõi bệnh bụi phổi cho người lao động của mình. Phải dán nhãn mức độ nguy hiểm khi có chưa amiang; Tiếp tục cải tiến công nghệ, thiết bị để giám giá thành thiết bị, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm không amiang; Tư vấn trong công tác thiết kế, chế tạo, lắp đặt để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi công nghệ và dây chuyền công nghệ; Yêu cầu các sản phẩm có chứa amiang đều phải dãn nhãn cảnh báo về ảnh hưởng tới sức khỏe để cộng đồng có sự lựa chọn khi sử dụng.

- Đối với Hiệp hội tấm lợp Việt Nam: Một số doanh nghiệp sản xuất tấm lợp amiang đã chủ động đầu tư đa dạng hóa sản phẩm như sản xuất song song tấm lợp amiang với sản xuấ tôn lợp, tấm phẳng, tấm ốp tường, ngói xi măng sợi. Trong thời gian tới, hiệp hội tấm lợp cần: Động viên, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ không amiang. Có định hướng cho doanh nghiệp về sản xuất vật liệu không amiang; Hỗ trợ thông tin, tăng cường móc nối doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu để nhanh chóng chuyển đổi công nghệ; Tổ chức các đợt tham quan cho đại diện doanh nghiệp đến các cơ sở sản xuất tấm lợp không amiang để học hỏi và rút kinh nghiệm.

Amiang trắng là nguyên liệu sản xuất tấm lợp fibro xi măng (Ảnh internet)

- Đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu có chứa amiang cần tích cực chuyển đổi dần công nghệ sản xuất không sử dụng amiang trong tấm lợp. Giảm dần việc sản xuất tấm lợp có amiang. Thực tế cho thấy, chuyển đổi sang sản xuất tấm lợp sử dụng sợi PVA thay thế sợi amiang, các đơn vị vẫn sử dụng dây chuyển hiện có, chỉ thay đổi phối liệu, do đó có các chi phí đối với việc đầu tư chuyển đổi không nhiều; Chủ động tiếp cận với các cơ quan nghiên cứu dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiang để có kế hoạch vốn và đầu tư chuyển đổi; Tích cực tham dự các triển lãm quốc tế và trong nước để tiếp cận với các tiến bộ mới trong sản xuất vật liệu thay thế amiang; Có đề án trình Chính phủ xin trợ cấp về vốn, ưu đãi thuế trong chuyển đổi sản xuất vật liệu thay thế amiang.

- Đối với cộng đồng, người dân đã dần nhận thức được tác hại của amiang đến sức khỏe con người thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thông tin tuyên truyền từ các cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần tuyên truyền rộng rãi để người dân nâng cao hiểu biết về amiang và bệnh do amiang gây ra, có biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ mình; Lựa chọn các sản phẩm không chứa amiang.

Theo: VUSTA

Mọi chi tiết tư vấn vui lòng liên hệ:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHOẺ - HETEC

 Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799                     - Hotline: 0917 021 858

Email: hetecvietnam@gmail.com            Website: https://hetec.vn 

Tin khác

FACEBOOK


LIÊN HỆ


LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM

VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ SỨC KHỎE - HETEC

Địa chỉ: Số nhà L7-45 Khu Đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6799;  Email: hetecvietnam@gmail.com; Website: https://hetec.vn 

Chịu trách nhiệm nội dung: Tiến sĩ Lê Hữu Thi - Viện trưởng 

LIÊN KẾT MẠNG XÃ HỘI
Social   Social   Social  
© 2019 hetec.vn. All Rights Reserved